Tư tưởng triết học Trang Tử

Kế thừa truyền thống của triết học cổ Trung Quốc, nguyên tắc trình bày quan điểm triết học của Trang Tử là "có lời vì ý, được ý quên lời". Vì vậy, tư tưởng triết học của ông được biểu hiện một cách đơn sơ lại huyền hoặc, nửa sáng, nửa tối, cảm nhận được nhưng không thể diễn đạt bằng lời mà phải bằng chiêm nghiệm thực tế. "Nó giống như một bức tranh mộc mạc, đường nét đơn sơ, nhưng lại chứa đựng tất cả vì tất cả đang biến động, biến hóa như rồng uốn lượn, cuộn mình tan lẫn trong mây"[2]. Trang Tử - mặc dù rất có công trong việc mài dũa viên ngọc "đạo" của Lão Tử nhưng hết sức đề cao sự thực hành bằng chính bản thân cuộc sống theo "đạo" (nguồn sống, đạo sống) hơn là việc suy ngẫm nhưng triết lý thâm trầm về đạo. Sự gợi mở trong cách cảm nhận về học thuyết của mình khiến cho Nam hoa chân kinh giữ được khoảng trống sáng tạo cho nhiều thế hệ độc giả. Có thể hiểu một cách khái lược tư tưởng triết học của Trang Tử như sau:

  • Vô danh. Tử viết: "Đạo chẳng thể nghe được, nghe được không phải là nó. Đạo chẳng thể thấy được, thấy được không phải là nó. Làm sao lấy trí mà hiểu được cái hình dung của cái không hình dung được? Vậy không nên đặt tên cho đạo" (Tri bắc du). Khác với học thuyết Chính danh và đường lối hữu vi của Khổng Tử, ông cho rằng đạo không thể diễn đạt bằng lời, "Duy Kỳ vì ham mê, muốn tỏ rõ nó nên suốt đời mờ tối" (Tề vật luận) còn "phần tinh túy của chí đạo thì mờ mịt, huyền ảo. Chỗ rất mực của đạo thì lặng hẳn, tối ráo" (Tại hựu).
  • Vô thường. Trạng thái vận động, không ngừng biến đổi của vũ trụ và vạn vật chính là "sự sống" của đạo. Thiên hạ có đoạn viết rất hay về nội dung cốt lõi trong tư tưởng này của ông khi đem so sánh đạo với con rồng uốn lượn, luôn luôn biến đổi: "Thoắt lặng không hình, biến hóa không thường, chết chăng, sống chăng? Muôn vật la liệt, không có gì đáng là nơi để ta về". Đây cũng là chỗ khác biệt giữa Lão và Trang. Trong Đạo đức kinh của Lão Tử luôn luôn thể hiện các mặt đối lập trong đạo: âm-dương, cương-nhu, sống-chết..., với Trang Tử, tất cả chỉ có một - trong sự biến hóa không ngưng nghỉ.

Đông Quách Tử hỏi Trang Tử:

- "Đạo ở đâu?"-Không chỗ nào không có."Xin chỉ ra mới được?"-Trong con kiến. Trong cọng cỏ. Trong miếng sành vỡ.... Lời của ông chẳng đi đến đâu cả. Đừng chỉ hẳn vào vật nào có nó (đạo), vì không có vật nào là không có nó. Đạo lớn là thế. (Tri bắc du)
  • Đức: Giống như đức của Mặt Trời là sáng và nóng, đức của nước là lạnh và tuôn chảy, của gió là mát và dịch chuyển, đức của con người cũng là một trạng thái tự nhiên không ràng buộc với bất kỳ mối quan hệ xã hội nào. "Đức của người thọ ở nơi đất trời, hãy biết gìn giữ nó tột cùng, đừng làm hư hại nó" (Dưỡng sinh chủ). Vì đức tự nhiên như "bò ngựa bốn chân thì thuộc về trời, còn thòng cổ ngựa, xâu cổ bò là thuộc về người" nên đức có đời sống độc lập, vận động theo lẽ lớn của tạo hóa và đạo.
  • Vô vi: Từ các quan điểm triết học nêu trên, tư tưởng nhân sinh căn bản trong Nam hoa kinh của Trang Tử là vô vi - mẫu mực sống của các bậc thánh nhân - đứng ở chỗ khôn lường mà chơi ở miền không có. Vô vi hành động theo lẽ tự nhiên nhi nhiên, vô tư, hồn nhiên như trẻ thơ "giữ tâm điềm đạm, khí điềm tĩnh, thuận theo tự nhiên mà không theo ý riêng của mình" (Ứng đế vương). Cũng giống như Vô vi của Lão Tử là "vô vi nhi vô bất vi" nhưng mới hơn ở Trang Tử là không thái quá và biết phá bỏ những gì cản trở cho sự phát triển tự nhiên của vạn vật, làm cho mọi vật đều được tự do, bình đẳng sống theo đúng bản tính, sở thích tự nhiên của nó.